Tăng huyết áp là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong sớm và là yếu tố nguy cơ chính của suy tim, rung nhĩ, bệnh thận mạn,… Tăng huyết áp thường được gọi là “kẻ giết người thầm lặng” vì hầu hết bệnh nhân không hề có triệu chứng. Bài viết này sẽ đề cập tới một số biểu hiện của tăng huyết áp không thể bỏ qua để theo dõi và phòng ngừa các biến chứng của tăng huyết áp.
1. Tăng huyết áp là gì?
Huyết áp là áp lực của máu lên thành động mạch khi tim bơm máu, được đo bằng hai chỉ số: huyết áp tâm thu (khi tim co bóp) và huyết áp tâm trương (khi tim giãn ra). Trong đó, huyết áp tâm thu là chỉ số huyết áp cao hơn. Ở người khỏe mạnh, huyết áp được xem là tối ưu khi huyết áp tâm thu dưới 120 mmHg (nhưng không thấp hơn 90 mmHg) và huyết áp tâm trường dưới 90 mmHg (nhưng không thấp hơn 60 mmHg).
Huyết áp dù cao hay thấp hơn mức bình thường đều có thể ảnh hưởng đến các cơ quan và có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm tính mạng. Theo Hội Tim mạch học Quốc gia Việt Nam, chẩn đoán tăng huyết áp được xác định khi đo tại phòng khám có huyết áp tâm thu ≥ 140 mmHg và/hoặc huyết áp tâm trương ≥ 90 mmHg [1].
Mặc dù mỗi người có thể tự đo huyết áp bằng các thiết bị tự động, nhưng cũng cần sự theo dõi sát sao của chuyên gia y tế là rất quan trọng để đánh giá nguy cơ và các tình trạng liên quan.
2. Đa số bệnh nhân tăng huyết áp không có triệu chứng
Tăng huyết áp thường được gọi là “kẻ giết người thầm lặng”: mặc dù có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm nhưng đa số nhiều bệnh nhân không có biểu hiện của tăng huyết áp [2,3,4].
Cách hiệu quả nhất để phát hiện tăng huyết áp là triển khai các chương trình tầm soát trong dân số hoặc các cơ hội đo huyết áp như khi kiểm tra sức khỏe định kỳ hoặc khi đến phòng khám. Một điều đáng báo động là có tới hơn 50% bệnh nhân không biết về tình trạng tăng huyết áp của mình.
Tất cả người lớn (≥ 18 tuổi) cần đo huyết áp tại phòng khám và ghi vào y bạ của họ cũng như cho họ biết trị số huyết áp đo được. Đặc biệt, ở người trên 50 tuổi cần phải sàng lọc huyết áp thường xuyên dù ở mức độ nào vì xu hướng huyết áp tăng dần theo tuổi [1].
3. Các biểu hiện của tăng huyết áp không thể bỏ qua
3.1 Biểu hiện do tăng huyết áp gây ra
Nếu huyết áp của bệnh nhân quá cao, có thể xuất hiện một số triệu chứng như: đau đầu dữ dội, chảy máu cam, mệt mỏi hay lú lẫn, vấn đề về thị lực, đau ngực, khó thở, nhịp tim không đều, có máu trong nước tiểu, tiếng đập trong ngực, cổ hay tai [5].
3.2 Biểu hiện liên quan nhưng không phải do tăng huyết gây ra
Ngoài ra, một số biểu hiện khác có thể liên quan gián tiếp đến tăng huyết áp, chẳng hạn [3]:
- Các đốm máu trong mắt: Biểu hiện này phổ biến ở những người mắc đái tháo đường hoặc tăng huyết áp, nhưng cả hai không phải là nguyên nhân gây ra tình trạng đốm máu trong mắt.
- Đỏ bừng mặt: Tình trạng xuất hiện khi các mạch máu trên mặt giãn ra. Đỏ bừng mặt có thể xảy ra vì một số nguyên nhân như tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, thời tiết lạnh, thức ăn cay, gió hoặc các sản phẩm chăm sóc da. Đỏ bừng mặt cũng có thể xảy ra khi tiếp xúc với những tác nhân làm tăng huyết áp tạm thời như căng thẳng cảm xúc, tiếp xúc nhiệt hoặc nước nóng, uống rượu và tập thể dục,…
- Chóng mặt: Mặc dù chóng mặt có thể là tác động phụ của một số loại thuốc huyết áp, nhưng không phải do tăng huyết áp gây ra. Tuy nhiên, chúng ta không nên bỏ qua cơn chóng mặt, đặc biệt là nếu khởi phát đột ngột. Chóng mặt đột ngột, mất thăng bằng hoặc khả năng vận động và đi lại khó khăn đều là những dấu hiệu cảnh báo đột quỵ. Tăng huyết áp là một yếu tố nguy cơ hàng đầu của đột quỵ.
- Tần số tim nhanh: Đối với bệnh nhân tăng huyết áp, có đến 50% bệnh nhân tăng huyết áp có liên quan đến thần kinh giao cảm. Một trong những chỉ dấu của cường giao cảm là tần số tim nhanh. Hơn 30% bệnh nhân THA có tần số tim trên 80 lần/ phút.
Khi gặp những biểu hiện nghi ngờ có liên quan tăng huyết áp, bệnh nhân cần ngay lập tức kiểm tra vì có nguy cơ gặp phải cơn tăng huyết áp (huyết áp tăng đến 180/120 mmHg hoặc cao hơn) có thể dẫn tới nhồi máu cơ tim hoặc đột quỵ [5]. Nếu huyết áp tăng cao bất thường và cảm thấy đau đầu, chảy máu cam hoặc không khỏe, bạn cần ngồi nghỉ ngơi 5 phút và đo lại; và cần gọi cấp cứu ngày nếu huyết áp vẫn ở mức cao 180/120mmHg [3].
4. Kết luận
Tăng huyết áp là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong sớm. Một số người có lầm tưởng rằng tất cả bệnh nhân tăng huyết áp sẽ gặp phải các triệu chứng như lo lắng, đổ mồ hôi, khó ngủ hoặc đỏ bừng mặt. Nhưng thực tế những dấu hiệu và triệu chứng này không đặc hiệu và thường không xảy ra cho đến khi huyết áp của bệnh nhân đã đến giai đoạn nặng hoặc đe dọa tính mạng.
Tăng huyết áp thường không có các triệu chứng, vì thế cần kiểm tra huyết áp thường xuyên và lưu ý một số các biểu hiện của tăng huyết áp không thể bỏ qua để có thể nhận biết sớm và kiểm soát kịp thời.
Khi kiểm soát tăng huyết áp, theo khuyến cáo của các tổ chức y tế thế giới cần kiểm soát cả huyết áp và nhip tim về mức mục tiêu dưới 80 lần/ phút.
Nguyễn Thị Thanh Ngân, Hà Trần Thảo Minh, Trần Quỳnh Nhi, Đào Khánh Linh,
Nguyễn Hoàng Nam
Cố vấn chuyên môn: Võ Phùng Nguyên